Nhà văn Kim Quyên và tác phẩm Đi biển một mình

Ngày: 05.03.2016 | Giờ: 14:00 - 17:00 | Khu Tiền sảnh

"Nhà văn Kim Quyên và tác phẩm Đi biển một mình"

Kim Quyên, nhà văn của Đồng bằng Nam bộ 
***
Nhà văn Trần Hữu Lục

Sinh ra và lớn lên ở  miền quê sông nước, Kim Quyên là một trong những nhà văn nữ đương đại của Đồng bằng sông Cửu Long, có phong cách đậm chất Nam bộ và một giọng văn chân chất dung dị, rặt miệt đồng bằng, mang hơi thở của vùng đất bạt ngàn hoa trái.

Quê Ngoại ở Cái Bè, quê Nội  huyện Cai Lậy, hai địa danh nầy trong thời kỳ chiến tranh là những căn cứ địa  kháng chiến, do vậy Kim Quyên sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng nên xuyên suốt  các tác phẩm của chị mang nặng dấu ấn về chiến tranh và về vùng đất, con người nơi quê hương thân thuộc.

Thuở thiếu thời, chị đã  có thiên hướng văn chương, theo hồi ức, chị kể: “Khi học lớp Nhì, lớp Nhất trường làng, tôi rất thích đọc sách, nhất là những  chuyện cổ tích, đại loại như: Mẩn Tử Khiên đội gạo nuôi mẹ, Phạm Công Cúc Hoa, Khỉ mẹ khỉ con… tôi thường khóc sụt sùi hay cười rúc rích một mình tùy theo nội dung vui hay buồn của cốt truyện. Tôi học khá môn Văn từ cấp một, giờ sửa bài tập môn Luận văn, bài của tôi thường được thầy đọc cho cả lớp nghe, rồi thầy còn nói vui:” Trò nầy có năng khiếu môn Văn, coi chừng sau nầy thành nữ sĩ đó đa!”. Năm học lớp Đệ Nhất để thi Tú Tài, tôi học môn Văn với thầy Phan Khôi, khi trả bài tập bình giảng về truyện Kiều, thầy viết lời phê  “Bài có nhiều sáng tạo, em có năng khiếu văn chương, em có thích sau nầy theo nghề viết không?”. Lúc đó, tôi đã có một số bài thơ in trên báo Điện Tín, nhưng tờ  báo nầy là báo phản chiến, thường xuyên bị cắt, đục, hốt nên tôi không dám khoe với thầy”

Khi còn nữ sinh, chị đã từng nuôi mộng sau nầy sẽ trở thành ca sĩ hoặc diễn viên điện ảnh nhưng gia đình không thích cho con gái theo ngành nghệ thuật nên chị  tìm đến ngành Sư phạm. Sau Tết Mậu Thân năm 68, chị về quê Ngoại dạy học trong vùng kháng chiến, được một thời gian thì bị bệnh nặng phải về nhà đđiều trị, sau đó lên Sài Gòn tiếp tục việc học, năm 1972 tốt nghiệp Tú Tài 2. Lúc nầy, chị tham gia phong trào Sinh viên học sinh đô thị  đấu tranh,  viết báo, làm thơ, xuống đường, có bài in trên các tờ báo tiến bộ. Bài viết đầu tiên được đăng báo là bài thơ “Bông cau thôi nở” trên tờ nhật báo Điện Tín năm 1972, tiếp sau là các bài thơ ”Áo mới buổi khai trường”, “Màu nâu Sa-pô-chê”… Các bài thơ trên được Ban Mây Tần chọn diễn ngâm, phát sóng trên Đài phát thanh Sài Gòn.

Sau năm 1975, chị tốt nghiệp khoá Sư phạm đầu tiên của Sư phạm Tiền Giang, được bổ về dạy trường Bổ túc Quân khu, lập gia đình và sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam. Năm 1985, chị được Sở Giáo dục cử đi học lớp đào tạo giáo viên tiếng Nga ở trường Đại học Sư phạm T.P Hồ Chí Minh, sau khi tốt nghiệp, Sở Lao Động – Thương binh, Xã hội Tiền Giang cử chị làm trưởng đoàn đưa 50 nữ thuộc diện con em chính sách sang Liên xô học dệt, may. Vì gia đình neo đơn không thu xếp được, cuối cùng Sở phải điều người khác đi thế. Chị trở về dạy học tại địa phương, luôn tận tụy với nghề, được sự quí mến tin yêu của đồng nghiệp và học sinh, nhận nhiều giấy khen, bằng khen của Bộ và Sở Giáo dục. Năm 1991, chị tiếp tục đi học tiếng Anh tại trường Cao Đẳng Sư phạm Tiền Giang để tiếp nối sự nghiệp giảng dạy.

Từ năm 1984 vừa dạy, chị vừa tham gia viết bài cho Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang và các báo khác của tỉnh, là UVBCH của Hội. Đến năm 2000, vì hoàn cảnh gia đình chị phải chuyển về T.P HCM, sống bằng nghề dạy học và đi tiếp con đường văn chương, bài vở xuất hiện trên nhiều tờ báo, tạp chí của thành phố, Trung ương như: Tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn VN), Văn nghệ Quân đội, An ninh Thế giới, Sông Hương, Nhớ Huế, Ap Bắc Chủ nhật, Tiếp thị Gia đình, Văn hoá thế giới, Du lịch T.P Hồ Chí Minh….Chị hợp tác với chương trình thơ ca giao hoà của Đài Truyền hình T.P HCM, tham gia cầu truyền hình trực tiếp trong chương trình “Chất độc da cam”, chương trình truyền hình ”Tôi và chúng ta” về liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm của VTV3, chương trình đọc truyện đêm khuya, câu chuyện truyền thanh, tiết mục thơ, tạp văn được phát thường xuyên trên sóng của các Đài phát thanh T.P Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tiền Giang….  Năm 1999, hai nhà văn  Anh Đức và Nguyễn Khải giới thiệu chị vào Hội Nhà Văn VN, năm sau chị được kết nạp vào Hội và là nữ nhà văn đầu tiên của Tiền Giang được chính thức gia nhập làng văn. Từ đây, chị có ước mơ về nghề nghiệp thật chân thành: ”Nghề văn là một nghề đặc biệt, nó đòi hỏi nhà văn phải bền chí, có ít nhiều năng khiếu và nhạy cảm với cuộc sống. Không biết tôi có đủ những yếu tố đó chưa, chỉ mong rằng những câu, những chữ của mình viết ra được sự đồng cảm của bạn đọc,  làm cho xã hội tốt đẹp hơn và còn góp phần làm cho tiếng Việt trong sáng hơn”.

+ Bài thơ đầu tay: Bông cau thôi nở
Bài thơ “Bông cau thôi nở” của tác giả Hoa Đồng Tháp in trên báo Điện Tín năm 1972 trong giai đoạn thơ văn đô thị thấm đẩm tình tự dân tộc, mang màu sắc chiến đấu. Nhà thơ Kiên Giang (Hà Huy Hà) kể lại: ”Hồi ấy, tôi phụ trách mục “Lều thơ” trên báo Điện Tín. Tôi không quên bút hiệu Hoa Đồng Tháp qua nhiều bài thơ, đặc sắc nhất là hai bài  Bông cau thôi nở và Ao mới buổi khai trường. Bài thơ Bông cau thôi nở đăng ở mục “Lều thơ” báo Điện Tín (1972) có kèm ảnh của tác giả rất đẹp. Hai bài với nội dung chan chứa những kỷ niệm sâu lắng về miền quê Ngoại đang đau thương tang tóc vì chiến tranh và nỗi niềm thương nhớ đứa em gái nhỏ quê nhà trong buổi khai trường đầu năm học. Hai bài thơ với lời lẽ chân thành sâu sắc làm cho tôi rất xúc động… Khoảng 15 năm sau, Kim Quyên bất ngờ đến thăm tôi ở Hội Nghệ sĩ Ai hữu với phong thái là một cô giáo. Cô trao cho tôi xem bài  Bông cau thôi nở đăng trên mục “Lều thơ “ năm nào, tôi mới bật ngửa ra reo mừng, chính là Hoa Đồng Tháp của ngày xưa đây! Kỷ niệm nhỏ mà êm đềm sâu lắng vì người giữ “Lều thơ” đã bạc đầu, còn cô nữ sinh ngày nào xoã tóc thề nay đã vượt bao dốc đời, luôn miệt mài học tập, phấn đấu đi lên. Nhà thơ trẻ Hoa Đồng Tháp ngày nào giờ đã là một nhà văn và là một giáo viên ngoại ngữ. Tuy công việc bề bộn nhưng cô vẫn chắt chiu hồn thơ với những lời thơ mượt mà hương sắc đồng quê, thấm đẩm tình tự dân tộc trên từng trang thơ như ngày nào…”

Bông cau thôi nở 
Kính tặng hương hồn bà Ngoại

Xuân trước con về thăm Mỹ Phước
Bông cau nở rộ trắng bờ  sông
Trắng như tóc Ngoại hong trời nắng
Trong gió sang mùa buổi lập Đông

Khúc khuỷu đường quê, mòn lối cỏ
Gập ghềnh cầu khỉ, bước cheo leo
Rung rinh bóng Ngoại lồng gương nước
Khói rạ xông thơm khắp xóm nghèo

Trời khuya, gió lạnh thổi trên sông
Ngoại đẩy thuyền ra xuôi giữa dòng
Lặng lẽ bóng cau mờ xóm vắng
Đưa con đi học, Ngoại ra đồng

Con đợi mai vàng, về xóm cũ
Hái dùm bà Ngoại mấy buồng cau
Bỗng đâu phương ấy tràn binh lửa
Thương nhớ quê xưa,  dạ nghẹn ngào

Những tưởng từ ngày im tiếng súng
Quê nghèo, chân trẻ tiện đường thăm
Lòng con nô nức hơn ngày hội
Bắc nhịp cầu tre, nối bước gần

Con ra bến đợi chuyến đò đông
Đò vắng, người thưa, nước xế ròng
Người đã ra đi, xa biền biệt…
Bông cau thôi nở vườn bên sông
                                           Hoa Đồng Tháp (1972)

Bài thơ đầu tiên nầy đã được chọn in lại trong tập thơ đầu tay Ngã ba sông (NXB Văn Nghệ, tháng 1 năm 2006). Tập thơ tạo sự bất ngờ, vì lâu nay người đọc vốn đã quen với cây bút sắc sảo, mang đậm bản sắc miền Tây trong các loại hình sáng tác: tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, nhưng với thơ, chị vẫn chân chất dung dị, đầy tâm trạng, đa đoan và sâu lắng. Tập thơ Ngã ba sông gồm 62 bài thơ sáng tác từ năm 72 đến cuối năm 2005. Ngã ba sông cũng là ngã ba lòng của nhà thơ nữ tài sắc mà  nhiều lận đận trong cuộc đời riêng:

“Lục bình trổ bông tim tím
Dập dềnh giữa ngã ba sông
Tiền Giang, Cần Thơ, Châu Đốc
Lối nào, hoa trôi bâng khuâng…

Em như lục bình trên sóng
Vượt qua bao cơn bão lòng
Một mình bềnh bồng trôi nổi
Giữa đời gió táp, mưa dông

…Em sẽ về bên người khác
Hay là vẫn đứng đợi anh ?
Trên ngã ba sông thân thuộc
Chờ cho con nước xuôi dòng

Vẫn ngã ba sông ngày ấy
Lục bình tím ngát rưng rưng
Về đâu những cành hoa nhỏ
Nhớ ai…hoa trôi… ngập ngừng… 
Kim Quyên (Ngã ba sông)

Tập thơ nho nhỏ xinh xắn nhưng chan chứa tình thương yêu với gia đình, bạn bè và quê hương ”Một hồn thơ đau đáu tình quê, tình người và cả những nỗi đớn đau, trăn trở của người đàn bà tài sắc đã đến tuổi đằm chín… Mà không đau đáu sao được khi chị sinh ra và lớn lên bên dòng sông Tiền đỏ nặng phù sa, với những miệt vườn ngan ngát màu xanh cây trái, với ngọn gió đồng bằng thênh thang bờ bãi…Và những người dân quê hào phóng hiền lành, dám chơi dám chịu, dám sống dám chết cho mãnh đất quê hương máu thịt của mình…” (Nhà thơ Võ Thị Kim Liên). Giữa dòng thơ nhiều đục hơn trong với những con chữ  lắp ghép, xa lạ, bí hiểm, xa rời hiện thực thì thơ của chị rất riêng, hồn nhiên mà xúc động “ Một cõi thơ riêng vì có sự đan xen giữa niềm vui và nỗi đau, nỗi đau đó khiến cho thơ có độ lắng, lắng đến độ thật trong, trong đến trong trẻo  và cái hồn thật nhẹ, nhẹ đến lâng lâng “ (Nhà thơ Trúc Chi). Mỗi khi tặng ai tập thơ, chị bảo chị không phải nhà thơ, chỉ viết nhật ký thơ thôi “Hình như viết văn xuôi chưa đủ, chị phải dính líu tới thơ…Chị muốn góp một tiếng thơ, một hạt mưa cho cơn mưa làm mát đất, mượt mà màu xanh cây cỏ. Chị nói  Ngã ba sông của chị chỉ là quyển Nhật ký thơ mà thôi, chị không mong mỏi gì hơn… Nhật ký thơ vẫn là nỗi đa mang từng ngày với bao niềm vui nỗi buồn, những lẽ đời lẽ đạo được chị phơi trãi trên từng trang giấy”  (Nhà thơ Lê Giang)

+ Truyện ngắn đầu tiên: Mùa dưa gang
Năm 1993, truyện ngắn “Mùa dưa gang” được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Vẫn một cõi  rất riêng: Không gian miệt vườn khá quen thuộc, mối tình của anh thương binh va cô giáo, cả hai đều có cuộc đời dang dỡ sau chiến tranh. Họ gặp nhau trên mãnh đất khô cằn nứt nẻ, họ cùng nhau dọn đất trồng dưa gang. Trong những ngày chung sức chung lòng lao động,  lòng họ nảy sinh tình cảm. Kết truyện , hai mãnh đời được chấp vá thật có hậu. Văn phong hóm hỉnh mà đằm thắm, chi tiết khá đắt, tả cảnh sinh động, tả tình sắc sảo, tạo dựng được không khí rất thật, sống động và lôi cuốn. “Mùa dưa gang không ồn ào gai góc lắm, nhưng tôi nhớ cái mặt ruộng nứt nẻ, tấm áo bạc mồ hôi đàn bà và hai mãnh đời chấp vá đìu hiu sau chiến tranh, đó là hương vị của những buổi hoàng hôn rất hẳm, rất đậm nhưng cũng rất trữ tình của cuộc sống chân trời, cuộc sống con người gắn với cảnh sắc miền Tây” (Nhà văn Dạ Ngân)

Truyện ngắn Mùa dưa gang đã được chọn in trong tập truyện ngắn đầu tiên của nhà văn Kim Quyên (Nước rút, NXB Trẻ, 1997), tập truyện gồm 12 truyện ngắn viết về những mãnh đời, ký ức  tuổi thơ, chiến tranh, hạnh phúc lứa đôi.. Những truyện ngắn: Sau chiến tranh, Người ấy, Tấm ảnh, Nghệ sĩ, Người bạn thời thơ ấu, Hồi Xuân, Nhỏ bạn, Hạnh phúc…   được tái hiện khá tinh tế, thấm đẩm chất nhân văn và đạo lý làm người: "…Tôi cầm bịch nhãn, chào bà cụ ra về, lòng bâng khuâng quá đổi. Vậy  mà bấy lâu nay mình cư xử không tốt với người ta. Trên đời, đâu phải hết người tốt như mình tưởng. Biết làm sao đền ơn anh được. À! Hay là…Chừng nào anh cưới vợ mình sẽ mua món quà xứng đáng…Mà sao lạ…Nghĩ tới lúc người đàn ông xa lắc xa lơ kia có vợ, tim tôi chợt nhói lên…” (Mùa dưa gang).

Nhân vật trong tập truyện ngắn Nước rút đa số là những người  nông dân thuần phác, tương thân tương ái, nhân hậu, yêu đời, yêu quê hương. “Thoạt đầu, tôi ngỡ nữ tác giả này kể chuyện có vẻ thật thà, mộc mạc. Dần dần về sau, tôi mới ngả ra mình đã bị tác giả rủ rê bằng giọng điệu chân quê. Bút pháp của Kim Quyên nhiều bản lĩnh, thường  “xuất chiêu” bất ngờ…” (Nhà văn Mai Văn Tạo). Tập truyện ngắn  Người dưng khác xứ  (NXB Văn Nghệ, 2004) gồm 13 truyện ngắn viết về cuộc sống đời thường, đa số  xoay quanh nơi miền quê xa xôi hẻo lánh, mỗi truyện đều có ẩn chứa chủ đề tư tưởng sâu sắc như trong các truyện: Hàng  xóm, Bông, Nắm tro, Lá rụng, Nghiệp văn, Vợ chồng già, Mưa nữa đêm, Sóng ngầm… Nổi bật nhất là truyện ngắn “Khu vườn và tiếng chim” với nghệ thuật miêu tả khá tài tình về vẻ đẹp của các loài chim, phân biệt được tiếng hót khác nhau của chúng, thể hiện tình  yêu  đối với thiên nhiên và muôn thú, thể hiện nỗi buồn  của  con người khi bị  “bứng” ra khỏi mãnh đất thân thuộc nơi mình đang sống. Đây là một trong những truyện ngắn hay của chị,  truyện ngắn nầy đã được đạo diễn Trương Minh Phúc (Đài truyền hình t.p HCM) chuyễn thể thành phim truyện mang tên “ Tiếng hót chim  Chìa Vôi” (sản xuất năm 2004). Truyện gợi ta nhớ những kỷ niệm ấm nồng  về một miền quê xa xôi:  
“… Tôi nhìn theo con chim cho đến khi nó chỉ còn là một chấm nhỏ bằng hạt đậu đen trên bầu trời cao rộng….
Nó đi rồi. Nó sẽ về với bầy  đàn của nó, về cái nơi quen thuộc khi xưa. Còn tôi, tôi phải xây tổ mới với bầy con của tôi nơi nầy. Lòng vẫn nhớ về ngôi nhà miệt vườn miền Tây, ngày ngày rộn tiếng chim ca .” (Khu vườn và tiếng chim).

Truyện ngắn “Người dưng khác xứ” có nhiều chi tiết đời thường, lôi cuốn nhờ  giọng kể hồn nhiên mà xúc động, tất cả dựng nên câu chuyện thật thú vị. Nhân vật “ tôi” là một cô bé kể lại câu chuyện tình đầy trắc trở của người cô Ut. Cô trót yêu chàng trai xa xứ rồi bị cha mẹ nghiêm cấm. Cuối cùng, họ cũng được thành thân với nhau, chàng trai vì quyến luyến quê vợ mà ba chìm bảy nổi rồi trở thành đứa con ruột thịt của xóm làng “… Người dưng khác xứ mà sao sâu nặng với nhau quá vậy, tôi cũng không hiểu. Chắc nhờ sự mặn nồng đó mà dượng tôi sớm được ra tù, trở về bên Vàm Cống thân yêu và nhận một trọng trách lớn hơn…”

Ở mỗi truyện ngắn đều có các chi tiết khá đắt để lại dấu ấn. Tính hấp dẫn trong truyện ngắn không bắt nguồn từ chất kịch tính cao độ mà từ trong các chi tiết rất đời thường: “Từ những chi tiết tưởng như vô tình, tác giả viết nên những câu chuyện khiến người đọc khó quên. Đọc truyện của tác giả là đọc tấm chân tình của người dân Nam bộ. Văn của Kim Quyên là một dòng trôi cảm xúc, như dòng nước Cửu Long xuôi giữa đôi  bờ” (Trích lời tựa của nhà văn Nguyễn Quang Sáng)

Dòng trôi cảm xúc ấy còn chảy vào các tản văn của chị ”Món ăn khoái khẩu Nam bộ”, sách song ngữ Anh, Việt (NXB Văn Nghệ, 2004) do chị viết và biên dịch với lời tự bạch: ”Quyển sách nhỏ nầy đến tay bạn đọc không ngoài mục đích miêu tả lại cách nấu , cách ăn của người miền Tây Nam bộ. Tuy chưa tập hợp đầy đủ các món ăn và nói cũng chưa hết các phong tục, tập quán của văn hoá ẩm thực miền sông nước nhưng ngưới viết hy vọng nó sẽ  được người nấu ăn ưa thích, được các bạn trẻ (nhất là bạn gái) đang xa nhà, xa mẹ đọc nó với niềm vui và mong muốn trở thành những người nội trợ tài hoa” (Lời giới thiệu). Tập tản văn nhỏ nhắn như một cuốn “cẩm nang” bổ ích về văn hoá ẩm thực Nam bộ.

+  Tiểu thuyết đầu tay: Nụ hôn đắng
Sau lần dự trại viết tiểu thuyết của Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang, nhà văn Kim Quyên đã hoàn thành quyển tiểu thuyết Nụ hôn đắng, dày 320 trang gồm 17 chương (do Sở Văn hoá Thông tin Tiền Giang xuất bản năm 1991). Trong lời đầu sách, trại tiểu thuyết Tiền Giang giới thiệu: “Câu chuyện Nụ hôn đắng gợi ý rằng : Có được hạnh phúc nầy, dù chưa trọn vẹn, quê hương đã phải trả giá bằng biết bao mất mát kia. Câu chuyện kể về cô gái và chàng trai hẹn thề trên rừng thốt nốt, họ mơ ước sẽ về sum hợp tại đồng bằng , nhưng đau đớn thay chàng trai khói lửa tưởng đâu đã chết khiến cho cô gái hậu phương trăn trở, dùng dằng rồi đành chấp nhận kết hôn với người thanh niên  khác cùng trang lứa. Nụ hôn hẹn thề ngày nào đã đắng mà nụ hôn hôn nhân giờ đây vẫn không khỏi đắng…”

Đây là câu chuyện tình đầy bi kịch của hai nhân vật trung tâm Khoa và Song Thu, họ gặp gở nhau trên rừng thốt nốt của biên giới Việt- Miên. Đại đội trưởng Đại đội pháo binh Khoa và cô giáo trẻ Song Thu trao nhau tình cảm ban đầu tha thiết. Chiến trường miền Tây khốc liệt, họ trải qua biết bao thử thách gian nguy, Khoa bị thương nặng sau một trận đánh, thương tật tàn phá gương mặt và cơ thể anh, vì sợ làm khổ người yêu, anh giấu biệt ông tích của mình nới một bệnh viện hậu phương xa tít. Đau khổ và thất vọng,  Song Thu trở về thành phố tham gia phong trào sinh viên học sinh, gặp người đồng đội hết lòng thương yêu gíup đơ, chị lập gia đình với  anh chàng sinh viên y khoa Mẩn, sống bên chồng nhưng vẫn không nguôi nổi nhớ người yêu cũ. Sau lần bị địch giam cầm, chị mắc phải căn bệnh hiểm nghèo do chất độc da cam gây tác hại, những giây phút cuối bên cạnh chồng, chị được gặp lại người yêu đầu đời trong ngỡ ngàng, tuyệt vọng.

Câu chuyện đầy chi tiết và kịch tính, bất ngờ nối tiếp bất ngờ. Tính cách, nhân vật, những tình huống đầy bi kịch của tình yêu, số phận chìm nổi của con người trong chiến tranh, tất cả được chị dàn dựng sống động, gần gủi, chân thật và đáng yêu. Những nhân vật của “ Nụ hôn đắng” như Khoa, Tín, Mẩn, Song Thu, Tuyết Mai, Phong… đều có cuộc sống nội tâm phong phú, có nhân cách và tấm lòng yêu nứơc nồng nàn. Những trang cuối của tập truyện thật  xúc  động, gợi mở biết bao  trăn trở, suy tư về tình người, tình bạn, tình yêu…
“ … Tiếng Mẩn gọi mơ hồ bên tai Khoa, hai mắt anh ráo hoảnh, những lằn gân đỏ hằn lên nơi cuối mắt. Khoa nhìn vào cái bóng trắng đang cầm chiếc bình đỏ đi lại, dường như BS đang nói gì với Mẫn, Khoa đờ đẩn ôm chặt Thu vào lòng, những giọt nước mắt nóng ấm của anh nhỏ lên đôi mắt đã nhắm lại…” (Nụ hôn đắng)

Tuy đến với văn chương từ rất sớm nhưng nhà văn Kim Quyên có cuộc đời riêng nhiều trắc ẩn, chị phải một mình lo sinh kế nuôi con. Những khi đến với văn chương  cũng là  lúc chị muốn bày tỏ nỗi niềm với bạn tri kỷ, vì vậy chị vẫn âm thầm lặng lẽ như một vài  bạn văn ví von  nhận xét: ”Kim Quyên, duyên thầm của một bông hoa muộn” (Dạ Ngân), “Kim Quyên như  một đoá hoa lặng lẽ nở, từ từ thơm…”  (Thanh Giang).  Dù vậy,  nhà văn  Kim Quyên đã tìm được lối đi riêng của mình giữa nhiều lối mòn văn chương. Văn của chị đẩm chất dân dã miền Tây, được chắt lọc từ kho phương ngữ phương Nam. Chị có vốn sống khá đầy đặn , biết nhặt nhạnh nhiều chi tiết đắt từ cuộc sống, biết cách vận dụng khi hành văn, có lúc mềm mại, có khi tinh tế, dung dị mà phóng khoáng, hóm hỉnh mà sâu sắc. Chị viết như chị đã sống, đã trãi nghiệm. Sau các nhà văn, nhà thơ lớp trước của Tiền Giang như Đoàn Giỏi, Bảo Định Giang, Trần Kim Trắc… thì nhà văn nữ tài hoa Kim Quyên là vốn quí và niềm tự hào trong lĩnh vực văn chương đương đại của Tiền Giang cũng như của miền Tây Nam bộ.

T.P. HCM 12/ 2006
T.H.L

Tác phẩm đã xuất bản:
- Truyện dài: Nụ hôn đắng (NXB Tiền Giang, 1990)
- Truyện ngắn: Nước rút (NXB Trẻ, 1997)
- Truyện ngắn: Người dưng khác xứ (NXB Văn Nghệ, 2004)
- Tạp văn: Món ăn khoái khẩu Nam bộ (NXB Văn Nghệ, 2006)
- Tập thơ: Ngã ba sông (NXB Văn Nghệ, 2006)
- Tiểu thuyết: Phượng Hồng (NXB Hội Nhà văn 2012)
- Tập bút ký: Quê Ngoại (NXB Hội Nhà văn 2013)

Tác phẩm in chung trong các tuyển tập:
- Truyện ngắn Tiền Giang (NXB Tiền Giang, 1995)
- Truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long (NXB Hội Nhà văn,1996)
- Truyện ngắn miền Tây (NXB Trẻ, 1999)
- 80 tác giả nữ nhà văn VN (NXB Thanh Niên, 2000)
- Truyện ngắn các nhà văn nữ VN (NXB Giáo dục, 2001)
- Vết hạc trong mưa (NXB Văn Nghệ, 2002)
- Vầng trăng còn lại (NXB Thanh Niên, 2002)
- Truyện ngắn  đầu tay của các nhà văn VN (NXB Thanh Niên, 2004)
- Tuyển tập thơ văn nữ VN (NXB Hội Nhà văn, 2005)
- Tổng tập truyện ngắn VN 1945-2005 (NXB Công An Nhân Dân, 2005)
- Tuyển tập thơ văn thiếu nhi (NXB Kim Đồng, 2006)
- Truyện ngắn hay An ninh (NXB Công an Nhân Dân 2006)

Khen thưởng:
- Huy chương vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (Liên Hiệp các Hội Nghệ thuật Việt Nam khen tặng)
- Giải thưởng bút ký của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008
- Giải B thơ của Tổng Công ty Cao su VN 2013